Hôm nay là ngày thứ ba trong chuỗi ngày vỡ mộng của mình khi khui 2 block giấy màu nước mà không vẽ nổi vì không thích ứng được với loại giấy mới - có thể giấy tệ có thể chỉ là kĩ thuật của mình không phù hợp. Vì vậy, mình làm luôn post này để có review ngắn gọn về các loại giấy màu nước mình đã dùng - hi vọng hữu ích với những bạn đang tập vẽ màu nước (như mình) và có thể nghe feedback cá nhân của mọi người về các loại giấy vẽ. Biết đâu mình lại thấy loại giấy phù hợp trong tương lai ^^.
NOTE: Mình cần nói trước về mấy điều sau: (1) Mình học vẽ qua YouTube và tự mày mò thôi chứ không qua trường lớp gì, thế nên kỹ thuật mình dùng có thể không chuẩn chỉnh; (2) các đánh giá chỉ dựa trên cảm nhận cá nhân và các kỹ thuật mèo quào của mình; và (3) mình tự bỏ xèng mua giấy chứ không PR rởm cho các cửa hàng nào nha.
CÁCH MÌNH TEST GIẤY: Các loại giấy trong bài mình đã vẽ thử, ít nhất ở khổ A5 (lỡ) và đánh giá dựa trên trải nghiệm vẽ thật. Ảnh trong bài mình thử giấy bằng cách vẽ một ô vuông màu đậm đặc, sau đó thêm nước loang theo chiều ngang và chiều dọc để xem mức độ ăn màu, mức độ ngậm nước, loang màu. Mình cũng dùng duy nhất 1 màu đỏ và cùng một góc chụp, điều kiện ánh sáng chụp (cơ mà chụp bằng điện thoại cùi pắp thôi) để thử giấy.
Mình cập nhật thường xuyên post này nên nó sẽ dài. Mọi người Ctr+F tìm loại giấy muốn xem review nhé.
Để xem các sản phẩm vẽ trên từng loại giấy, mọi người có thể ghé qua Instagram của mình: https://www.instagram.com/ftyligs
1. NABII AQUA FAT - 300 gsm - 50% cotton - ColdPress
Giá: ~130k/sổ A4 gáy xoắn/25 tờ; mua theo tệp giấy rời sẽ rẻ hơn nữa
Nabii là hãng giấy quốc dân của các bạn mới tập vẽ :) Mình đã thử giấy lẻ, sổ A5 phiên bản đặc biệt dịp Tết và sổ A4 gáy xoắn. Về cơ bản, giấy Nabii có chất lượng ổn, phù hợp với người bắt đầu vẽ. Tuy nhiên, mình thấy Nabii có hạn chế là các đợt giấy mình mua có chất lượng không đồng đều. Một số lần thử mình thấy vân giấy không quá rõ, chất lượng ở cả hai mặt giấy tương tự như nhau (dù một mặt thường thô nhám hơn, một mặt mịn hơn). Một số lần khác mình thấy vân giấy thô nhám rõ và màu bị ăn vào giấy nhanh, tạo lớp stain khó loang và màu trên mặt giấy bị nhoè nhẹ. Vì lý do này, hầu hết thời gian mình chỉ vẽ ở mặt nhẵn của giấy và dùng cọ lông thú (cọ Happy). Giấy có cong khi dùng nhiều nước nên cần bồi hoặc dán cố định khi vẽ.
>>> BAOHONG PREMIUM WATERCOLOR BLOCK - 300gsm - Hotpress
Tương tự như Nabii, Baohong là hãng giấy thường được nhiều bạn mới tập vẽ tìm mua. Hãng có đầy đủ giấy coldpress, hotpress với đủ kích cỡ, sổ, block này kia. Mình mới chỉ thử block Baohong màu cam đậm vân hotpress cỡ A5. Trải nghiệm của mình thấy loại giấy này rất OK dù mới chuyển từ Nabii sang hơi không quen. Baohong hotpress mình dùng có cả hai mặt đều nhẵn, ngấm nước chậm nên dễ loang (tìm hiểu thì thấy bảo do mặt giấy có phủ lớp keo mỏng). Giấy vẽ trên cả 2 mặt với chất lượng như nhau, mình dùng block nên không thấy giấy cong nhiều. Với giấy này, mình thích dùng cọ lông nhân tạo hơn vì kiểm soát nước dễ hơn. Giấy nhẵn dễ dùng kĩ thuật lifting để lấy bớt màu.
Do giấy ít ngấm màu, màu lên giấy Baohong có thể rất rực rỡ.
Điểm rất ưng nữa ở Baohong block là lớp keo dán chắc chắn nhưng cũng dễ tách; keo màu trong nhìn sạch sẽ. Giấy mình khui dùng rất lâu rồi qua cả mùa nồm ẩm dở hơi ở Hà Nội nhưng không bị mốc giấy.
>>> BAOHONG PREMIUM WATERCOLOR BLOCK - 300gsm - Coldpress
Mình thử giấy Baohong CP mới được 2 lần. Ban đầu mình thấy giấy có vân nhẹ và nghĩ là không ảnh hưởng đến vẽ chi tiết lắm nhưng sau khi vẽ mình thấy hơi khó vẽ chi tiết nhỏ và giấy cũng ngấm màu nhanh hơn giấy HP. Dù vậy, vẫn có thể thực hiện loang màu tương đối ổn, màu lên cũng không bị xỉn.
Mình vẫn dùng giấy dạng block, cỡ A6 lỡ (màu xanh lá). Giấy gắn keo tốt, chắc chắn nhưng cũng dễ gỡ rời.
(ảnh cập nhật sau)
>>> LEYTON WATERCOLOR BLOCK - 300gsm - Coldpress - 100% cotton
Leyton mình mới thử được 2-3 hôm nay và nói thật là mình hơi thất vọng - dù em này được khen không kém Baohong. Mình dùng block cỡ 18x12.5 cm coldpress. Mặt phải của giấy (chắc vậy vì khi khui block thì mặt này ở trên) có vân nhám rõ. Màu ăn giấy và hơi khó loang nhưng nếu nhanh tay thì không để lại vết stain quá rõ. Nhưng vân nhám rõ nên dùng cọ thư pháp Trung Quốc hay cọ lông thú thấy hơi khó, cũng khó tỉa chi tiết. Sau khi tách giấy ra mình mới thấy mặt sau của giấy nhẵn hơn, giống kiểu giấy Nabii, thử cũng thấy ngấm màu chậm hơn, dễ kiểm soát và tỉa chi tiết hơn.
Cách đóng Block của hãng tương tự Baohong, khá chắc chắn những cũng dễ tách, keo màu sáng.
Ps. Sau khi "tiếc tiền" xài cố hết cả block, mình gần như đã quen với vân giấy CP của Leyton và có thể tỉa các chi tiết rất nhỏ với cọ Trung ^^ cảm thấy giấy khá hơn nhiều so với cảm nhận ban đầu.
Hơi băn khoăn không biết có nên mua thử Leyton HP không vì mẫu texture nhìn HP vân cũng rõ @.@
>>> PAUL RUBENS WATERCOLOR BLOCK - 300gsm - Hotpress - 50% cotton
Giấy màu nước của Paul Rubens là loại giấy khá gây thất vọng với mình nhưng cũng tại mình chủ quan khi mua không để ý. Hotpress nhưng giấy có 2 mặt đều vân nhám thô, khó vẽ chi tiết nhỏ. Giấy không ngấm nước quá nhanh và vẫn loang ở mức độ ok. Một mặt giấy cũng có vân nhẹ hơn. Mình đã dùng thử giấy để vẽ tranh phong cảnh thì thấy ok hơn là vẽ hoa lá phải tỉa nhiều.
Mình lỡ mua block cỡ A4 nên về có "xẻ thịt" thành 2 block cỡ A5, bảo quản cũng sơ sài nhưng giấy cũng không có dấu hiệu mốc. Block có keo chắc chắn những cũng rất dễ tách. Đây có thể coi là ưu điểm với những bạn nào mắc bệnh "đồng nát" hay tích trữ giấy như mình.
>>> UME WATERCOLOR PAPER - 300gsm - Coldpress - 50% cotton
Mình mua UME dạng tờ rời cỡ A5. Giấy UME mình thấy khá đanh, ý là cầm thấy nó cứng nhưng mỏng chứ không dày và xốp như các giấy khác. Giấy cũng có một mặt vân sần nhẹ và một mặt mịn hơn. Tuy nhiên, cả hai mặt giấy đều ngấm màu chậm, dễ loang. Với mặt vân, vì vân sần nhẹ thôi nên vẫn có khả năng vẽ chi tiết ở mức độ nhất định. Mình thấy giấy có thể vẽ với cả cọ lông thú, cọ thư pháp Trung Quốc và cọ lông nhân tạo.
>>> STRATHMORE 400 MIXED MEDIA - 300gsm
Strathmore 400 mixed media giá khá cao nhưng giấy dùng rất ok. Đây là một trong những loại giấy mình dùng đầu tiên. Giấy có phủ keo (??? hay có xử lý gì đó) để dùng cho nhiều loại chất liệu khác nhau nhưng dùng màu nước rất ok, ngấm màu chậm, dễ loang; bề mặt nhẵn nên thoải mái tỉa chi tiết. Màu trên giấy cũng rực rỡ lắm nhé. Có thể dùng cùng lúc ở cả 2 mặt nên thật ra cũng tiết kiệm. Giấy có thể dùng với cả cọ lông thú, lông nhân tạo.
Mặc dù gáy keo nhưng keo không chắc lắm, nếu tách 1 tờ là xác định rơi rụng những tờ còn lại.
>>> FENGLI WATERCOLOR BLOCK - 300gsm - ColdpressĐây là loại giấy mình chọn đại vì đợt này cực thích các loại giấy kiểu block vì thấy dễ bảo quản trong điều kiện khí hậu Hà Nội. Tuy nhiên, hãng này nghe thấy lạ tai mà bao bì cũng toàn chữ Trung Quốc nên không biết có phổ biến không. Giấy 300gsm nhưng thuộc loại dày và xốp. Giấy không có vân nhưng cảm giác có sợi giấy rõ. Giấy kị tẩy; ngấm nước rất nhanh và stain, rất khó loang. Cả hai mặt đều hơi nhoè. Không phù hợp dùng cọ lông thư pháp Trung quốc vì sợi giấy không chịu phối hợp với đầu cọ lông thú mảnh. Màu lên đậm nhưng hơi xỉn.
Block dùng keo đen, dính và để hở 4 góc (các loại block khác thường chỉ hở 1 phần nhỏ ở gáy block để tách) nên không rõ có tác dụng bảo quản không.
Giá rẻ nhưng không đáng mua. Có lẽ mình để dành block này thử tập màu gouache.
>>> ARTO ACRYLIC PAPER - 350gsm
Giấy này mình mua khi mới tập vẽ vì thấy mọi người nói nên dùng loại giấy trên 200gsm trở lên mà mình tìm mua ở hiệu sách không thấy loại nào riêng cho màu nước. Cuối cùng chọn đại giấy cho màu acrylic hẳn 350gsm, dày và nặng (như bìa cứng luôn). Giấy hai mặt đều nhẵn, tỉa chi tiết bao nhiêu cũng ok; thích hợp dùng với cọ nhân tạo. Tuy nhiên lưu ý là ngấm màu chậm (thậm chí là còn không thèm ngấm luôn nếu đi cọ nhẹ).
Giấy này bán nhiều ở các nhà sách (mình mua ở Cá chép), cỡ giấy lớn A3 nên về phải tự xẻ nhỏ. Điều lạ là giá lại rẻ hơn giấy 300gsm màu nước.
>>> MAGNANI 1404 PORTOFINO - 300gsm - Hotpress - 100% cotton
Mình đã dùng hết một block giấy Magnani 1404 (block tròn đường kính 15 cm). Ban đầu khi mới dùng mình khá thất vọng vì giấy 300gsm nhưng mỏng, nhẹ và giấy cong, màu ngấm cả sang mặt sau. Giấy nhẵn cả ở 2 mặt. Nhưng sau đó mình đổi từ cọ lông nhân tạo sang cọ thư pháp Trung Quốc thì lại thấy rất thích, không còn bị ngấm màu sang mặt sau nữa. Bề mặt giấy nhẵn, ngấm màu ở tốc độ trung bình nên loang ok, stain cũng ít, tỉa chi tiết rất thích. Màu lên trung bình, không bị xỉn nhưng cũng không quá rực rỡ. Đây là loại giấy phù hợp với việc vẽ hoa lá, tỉa chi tiết như mình đang tập.
Để một thời gian khi màu ở một mặt khô thật khô rồi thì có thể vẽ tiếp ở mặt sau luôn.
Điểm trừ khá lớn là block gắn keo không chắc chắn. Mình bóc seal để dùng nên giấy rất mau ẩm, có vết mốc rõ; thậm chí các tờ tự tách khỏi block luôn.
>>> MAYART WATERCOLOR PAD (A4) - 300gsm - Hot press - 100% Cellulose
Vì vẽ minh họa thực vật là chính nên mình đã chọn vân HP của Mayart. Cảm quan đầu tiên là giấy 300gsm rất dày dặn (gần như giấy Arto cho acrylic), bề mặt giấy rất nhẵn kiểu và trắng sáng. Giấy không có cỡ bé nên mình mua giấy rời cỡ A4 để tự làm sổ A5 gắn keo. Khi dùng lần đầu mình không vẽ tỉa nhiều, chỉ cảm thấy bề mặt giấy ăn màu tương đối nhanh và lên màu sáng, rực rõ hơn so với các giấy mình thử trước đây. Dùng nhiều lần hơn mình thấy màu loang hơi kém, nếu tăng nước để tăng độ loang sẽ để lại vệt viền màu khi khô. Không rõ đây là phải là nhược điểm do giấy không thành phần cotton hay không nữa.
Bù lại, mình sketch bằng bút B, 2B thấy ăn chì, tẩy vừa phải thì thấy không ảnh hưởng bề mặt giấy lắm. Giá của giấy Mayart cũng phải chăng.
>>> MAYART WATERCOLOR PAD (A4) - 300gsm - Hot press - 100% Cotton
PS. Dùng tá lả nhiều loại giấy mà lần nào đi mua cũng lẩm bẩm coldpress với hotpress vì có loại hotpress mà vẫn có vân còn có loại coldpress mà vân không đáng kể hay có mặt nhẵn mịn luôn T.T Giờ viết cũng lẩm bẩm. Phải lấy giấy ra kiểm tra lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét